Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Bệnh trào ngược bàng quang – niệu quản ở trẻ em

Khoa Niệu bệnh viện Nhi đồng 2 vừa triển khai điều trị chích chất Deflux chống trào ngược cho bệnh nhân thứ 3 có bệnh lí trào ngược bàng quang niệu quản. Điểm mới của lần điều trị này là bệnh nhân được điều trị cả hai bên niệu quản bị tổn thương.
ThS.BS. Phạm Ngọc Thạch cho biết, ngày 12-1, bệnh nhi N.T.T 6 tuổi, ngụ tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau bụng dạng táo bón, nước tiểu không đục, không hôi. Nhưng khi siêu âm thì kết quả cho thấy hai niệu quản giãn, đặc biệt là bên trái giãn rất to. Cả hai thận đều bị tổn thương,  nhất là một bên thận trái đã bị teo, xơ sẹo, chức năng của thận trái chỉ còn 28%. Thận bên phải có  tổn thương nhưng ít hơn, giảm khoảng 5% chức năng.

Qua một số phim ảnh và khai thác tiền sử bệnh các bác sĩ chẩn đoán có trào ngược bàng quang – niệu quản hai bên. Bệnh nhi được chỉ định  phẫu thuật cắm lại niệu quản vào bàng quang để ngăn cản sự trào ngược nước tiểu, tuy nhiên thay vì được phẫu thuật bằng phương pháp thông thường, bé N.T.T được tiếp cận phẫu thuật ít xâm lấn bằng việc chích chất keo sinh học chống trào ngược qua phương pháp nội soi qua đường tiểu dưới. Kíp phẫu thuật đã bơm chất keo đặc biệt (Deflux) để làm hẹp lại lỗ đổ của niệu quản vào bàng quang, từ đó hạn chế sự trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận. Đây là phương pháp điều trị niệu khoa mới dành cho bệnh lý này và được áp dụng lần đầu tiên ở miền Nam tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Đây là trường hợp thứ ba áp dụng kỹ thuật này tại bệnh viện nhưng là ca đầu tiên bị trào ngược cả hai bên và được chích chất Deflux cả hai bên. Kỹ thuật chích Deflux này ít xâm lấn, ít để lại biến chứng, không để lại sẹo, về trong ngày và không phải ở lại ít nhất là 7 ngày trong bệnh viện kèm theo mang ống thông tiểu như phương pháp phẫu thuật mổ mở trước đây.

Có khuynh hướng tăng lên so với những năm trước 2011, 2012, năm 2013, Khoa Niệu bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận điều trị khoảng 15 trường hợp trẻ bị trào ngược bàng quang – niệu quản. Việc chẩn đoán trước sinh cũng như sự quan tâm của quí vị phụ huynh góp phần phát hiện sớm cũng như những trường hợp trào ngược tiềm ẩn không triệu chứng. Ghi nhận số ca nặng (trào ngược độ 4 – 5)  trong năm 2013 chiếm 20%. Giải pháp điều trị với trường hợp nhẹ (độ 1 – 2) là  cho trẻ uống thuốc kháng sinh dự phòng, không phẫu thuật. Nhưng với trường hợp nặng thì thường được chỉ định phẫu thuật nếu như điều trị nội khoa thất bại, chỉnh sửa lại sự bất thường giữa bàng quang và niệu quản, làm dài hơn đoạn niệu quản chạy trong thành bàng quang để khi bàng quang đầy, nước tiểu không trào ngược lên niệu quản.

Khi trẻ đau bụng, ba mẹ cứ nghĩ là do rối loạn tiêu hóa, giun sán hoặc khi thấy trẻ rặn tiểu hoặc sốt của một rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ cũng cho là bình thường. Trong khi đó, đây là những biểu hiện của nhiễm trùng đường tiểu. Thông thường, khi bị nhiễm trùng đường tiểu, trẻ sẽ có những biểu hiện rõ ràng như nước tiểu đục, hôi, bị sốt, đi tiểu đau rát nhưng có những trẻ, triệu chứng rất mơ hồ, âm thầm: chỉ đau bụng thoáng qua, tiêu chảy (đặc biệt ở trẻ nhỏ), nước tiểu vẫn không đổi màu, trẻ không sốt, các triệu chứng diễn ra âm thầm. Và cùng với những biểu hiện này, bé đã bị nhiễm trùng đường tiểu trên, sẽ gây sẹo thận dần. Nếu áp lực nước tiểu từ bàng quang lên thận quá cao sẽ làm giảm tưới máu các đơn vị thận cũng  sẽ gây sẹo thận mà không cần phải có vi trùng trong nước tiểu.
Nguyên nhân của bệnh trào ngược bàng quang – niệu quản nguyên phát, là do sự bất thường nội tại về giải phẫu học đoạn niệu quản cắm vào bàng quang. Thay vì nó thực hiện vai trò như một cái van đóng lại khi bàng quang đổ đầy nước tiểu thì nó lại cứ mở. Bệnh lý này thường được phát hiện trong năm đầu tiên trẻ mới ra đời Nhưng chúng ta có thể biết trước được khi siêu âm tiền sản nếu thai nhi có các dấu hiện như niệu quản giãn, thận ứ nước, bể thận giãn… thì sản phụ nên khám tiền sản bác sĩ Niệu Nhi  để biết được thời gian chính xác sau khi sinh sẽ làm gì tiếp theo, xét nghiệm và siêu âm khi nào  để có hướng điều trị phù hợp, kịp thời cho trẻ. Nếu siêu âm trước sanh có hình ảnh dãn niệu quản hai bên, sau khi sinh, người mẹ phải đưa trẻ đi tầm soát để xem có hiện tượng trào ngược bàng quang – niệu quản hay không. Đối với bệnh lí này trẻ gái hay bị hơn trẻ trai.

Trẻ quá nhỏ (dưới 1 tuổi) thì có triệu chứng bị tiêu chảy còn trẻ lớn hơn một chút thì tiểu đục, tiểu đau, rát, sốt. Cha mẹ đừng tự mua thuốc kháng sinh cho bé uống, đừng chủ quan nghĩ là viêm bàng quang bình thường”, Nguy hiểm ở đây là nếu cha mẹ chủ quan hoặc thờ ơ để đến khi phát hiện ra quá trễ thì thận của trẻ đã bị teo, suy giảm chức năng. Vì cứ mỗi lần trẻ tiểu đau, sốt là một lần trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu nhưng gia đình không biết, đi mua thuốc về, uống vô thấy hết nhưng đó đã là một lần thận bị mất đi 5% chức năng. Và sau 5 lần uống thuốc thì thận đã mất đi 50% chức năng! Có trường hợp trẻ mới 7 – 8 tuổi vào với tình trạng trào ngược bàng quang – niệu quản, cả hai thận đã bị mất chức năng, phải chạy thận nhân tạo và chờ ghép thận!

Cha mẹ phải lưu ý vì nhiễm trùng đường tiểu không đơn thuần điều trị là hết mà sẽ để lại di chứng nặng nề: sẹo thận, chức năng thận suy giảm và nặng nề hơn là thận bị mất chức năng. Khi thận đã suy giảm chức năng thì không thể phục hồi lại được 100%. Khảo sát ở những trẻ bị trào ngược bàng quang niệu quản có sẹo thận, khoảng 20% bị cao huyết áp.. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây cao huyết áp ở trẻ.
   CN.Thiên Phước - Phòng Kế hoạch tổng hợp

Phòng Ngừa Bệnh Tay- Chân- Miệng

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm và xuất hiện ở hầu hết các địa phương. Ở phía Nam, bệnh  tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71) .  Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là  ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các nguy cơ lây truyền bệnh, nhất là  trong các đợt bùng phát dịch.
Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người, bệnh lây truyền qua đường "phân - miệng" và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà,.... nhất là khi bệnh nhân hắt hơi , nói chuyên. Đa số bệnh tay chân miệng có dự hậu tốt, tuy nhiên bệnh do EV71 thường gây các biến chứng thần kinh nặng và có thể dẫn đến tử vong. Biểu hiện chính là tổn thương da -niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trớ kịp thời.

Cần nhắc lại là đa số tiên lượng tốt nên bệnh chủ yếu được điều trị tại nhà, phụ huynh không nên hoảng hốt khi được Bs chẩn đoán là tay chân miệng.

Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi sốt, phát hiện sớm những triệu chứng thần kinh như giật mình, hốt hoảng, nôn ói hay tiêu lỏng, và điều trị biến chứng, đảm bảo vệ sinh răng miệng, thân thể, đảm bảo cung cấp nước , dinh dưỡng cho trẻ.

Đi khám lại ngay khi có dấu hiệu nặng như:
 - Sốt cao liên tục ≥ 39ºC khó hạ,
- thở mệt hay thở yếu, tiêu lỏng hay nôn ói nhiều,
- giật mình, chới với, run chi, quấy khóc,
- Bứt rứt khó ngủ, yếu hay liệt các chi, co giật hay hôn mê.
 Hiện tại chưa có vacxin phòng bệnh đặc hiệu, nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu sử dụng các biện pháp phòng bệnh phổ cập, áp dụng phòng bệnh cho bệnh lây qua đường tiếp xúc.
Các biện pháp phòng ngừa:
-Giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, lau rửa vật dụng cá nhân, rửa và phơi nắng đồ chơi .
- Cho trẻ ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi.
-Rửa tay sạch sẽ trước ăn và sau khi đi cầu.
-Cách ly khi có người nhà hoặc trong lớp học có trẻ nghi ngờ bị bệnh.
-Cho trẻ ăn uống đầy đủ và ngủ chơi hợp lý.
 BS.CK2.Nguyễn Thị Thanh

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Dinh Dưỡng Cho Bé Dùng Sữa Tươi: Đúng Mới Có Lợi

Sữa tươi luôn được cha mẹ cho trẻ dùng hàng ngày, vì mùi vị hấp dẫn, tiện lợi, đặc biệt chứa nhiều dưỡng chất giúp trẻ tăng chiều cao, cân nặng hiệu quả. Tuy nhiên,  nếu không uống đúng cách, đúng thời điểm, sữa tươi sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
Để tránh những sai lầm có thể gặp khi cho trẻ dùng sữa tươi, cha mẹ cần lưu ý những nguyên tắc dưới đây:

Thời điểm
Theo các nhà khoa học, chỉ nên cho trẻ dùng sữa tươi khi trẻ đã hơn 1 tuổi. Lý do vì sữa tươi có hàm lượng đạm, can-xi và phốt-pho cao, nếu cho trẻ dưới 1 tuổi uống sẽ  dễ có nguy cơ bị quá tải thận. Về lâu dài, làm trẻ có nguy cơ bị cao huyết áp, béo phì ở tuổi trưởng thành. Ngoài ra lượng đạm cao còn gây đầy bụng, khó tiêu, làm trẻ chán ăn. Sữa tươi có ít sắt, nghèo vi lượng nên trẻ dưới 1tuổi  có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt, thiếu vi lượng nếu sử dụng sữa tươi như thực phẩm chính.

Vấn đề nên cho trẻ uống sữa tươi lúc nào cũng rất quan trọng. Trước bữa ăn chính 2 giờ thì không nên cho trẻ uống sữa tươi cũng như các thức ăn lặt vặt khác vì có thể làm bé no và biếng ăn khi vào bữa. Chỉ nên cho trẻ uống sau bữa ăn từ 1-2 giờ.

Số lượng
Chỉ nên bổ sung sữa tươi vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ trên 1 tuổi, tốt nhất là trẻ trên 2 tuổi với liều lượng khoảng 200-300ml/ngày. Trẻ nên được xen kẽ những loại sữa công thức (dạng bột pha hay dạng pha sẵn) vì đã được bổ sung sắt, kẽm, vi chất… cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ theo các lứa tuổi.

Với trẻ 2-3 tuổi trở lên, có thể cho trẻ uống lượng sữa tươi nhiều hơn, vì lúc này chế độ ăn đa dạng sẽ giúp trẻ nhận đủ các dưỡng chất và trẻ có khả năng tiêu hóa, hấp thu các thức ăn tốt hơn. Với thiếu niên, có thể sử dụng sữa tươi thay sữa bột, đảm bảo tổng lượng sữa từ 500-700ml/ngày. Ngoài ra kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất.

Lưu ý về số lượng rất quan trọng, vì nhiều cha mẹ cứ nghĩ sữa tốt cho sức khỏe, nhất là chiều cao của con nên cứ cố “ép” con uống càng nhiều càng tốt. Nếu uống quá nhiều sữa, trẻ sẽ dễ béo phì, hoặc trẻ không được rèn luyện thói quen nhai,lâu dài kén ăn các thức ăn đặc dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất xơ gây bón, phát triển không cân đối...

Loại sữa
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, nếu uống sữa tươi nên chọn sữa nguyên kem, không nên chọn sữa tách béo (trừ khi có chỉ định của bác sĩ) vì lúc này não cần chất béo để phát triển. Trẻ trên 2 tuổi nếu đã thừa cân béo phì thì nên dùng sữa tách béo một phần hoặc toàn phần.
Nếu trẻ đã đủ cân nặng, nên chọn sữa không đường để giảm bớt lượng đường hấp thu nhanh trong khẩu phần vì không có lợi cho sức khỏe. Nếu uống sữa có đường thì sau khi uống nên súc miệng để tránh bị sâu răng (do đường bám trên men răng và bị các vi khuẩn sử dụng, sinh ra acid gây hỏng men răng), đồng thời giảm lượng  đường đưa vào cơ thể từ những thực phẩm khác sao cho tổng lượng đường trong ngày dưới 20g.

Sữa tươi bao gồm 3 loại là sữa vắt trực tiếp, sữa thanh trùng và tiệt trùng. Trong đó chỉ nên cho trẻ uống sữa thanh trùng, tiệt trùng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên uống sữa bò vắt trực tiếp vì không đảm bảo sạch vi khuẩn, có nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu hóa. Nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm độc cao nhất là với các cơ sở chăn nuôi vắt thủ công, quy trình vắt không sạch, chuồng trại không đúng tiêu chuẩn, bảo quản và vận chuyển không đảm bảo chất lượng.

Các chế phẩm làm từ sữa tươi như ya-ua, váng sữa, phô mai, thường được các bà mẹ sử dụng cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng ở mức vừa phải, giúp trẻ làm quen với nhiều mùi vị và đa dạng hóa thức ăn, nếu sử dụng nhiều thì hiệu quả tương tự uống nhiều sữa tươi. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách dùng hợp lý.
BS.CK2.Nguyễn Thị Thu Hậu- TK.Dinh dưỡng

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Tìm Hiểu Chăm Sóc Răng Miệng Cho Trẻ Em

                                   
I.                  Vai trò của răng miệng
Răng miệng là cơ qua mang chức năng đầu tiên của bộ máy tiêu hoá, trẻ có răng miệng tốt sẽ đảm bảo tiêu hoá tốt. Răng đóng vai trò quan trọng trong chức năng nhai, học nói, tạo nên sự phát triển của cấu trúc mặt và duy trì khoảng cách cần thiết trên cung răng cho tăng vĩnh viễn mọc sau này không bị thiếu chỗ.
II.               Các bệnh phổ biến về răng miệng thường gặp ở trẻ nhỏ
Giai đoạn từ lúc mới sinh tới 6 tháng tuổi
1.      “Nanh
Đây là trường hợp thường gặp ở 75% trẻ sơ sinh, không phân biệt giới tính
Biểu hiện lâm sàng:
-      Là những nang nhỏ kích thước 1-3mm, màu trắng, nằm rời rạc hay thành đám trên niêm mạc khẩu cái hay niêm mạc xương hàm. Trẻ mọc nanh có thể không gây ảnh hưởng gì hoặc cũng có thể gây biếng ăn và bỏ bú
Xử trí
-      Nếu không ảnh hưởng gì tới ăn uống tự nanh sẽ rụng
-      Nếu ảnh hưởng tới ăn uống như biếng ăn, bỏ bú thì phải đến các bác sĩ răng hàm mặt để chích nanh
2.      Tưa miệng
Triệu chứng
-      Có những mảng trắng bám như sữa bám vào niêm mạc miệng
-      Mảng trắng có thể đông đặc toàn bộ niêm mạc miêng và hạ họng
-      Khi đánh đi lớp nấm dày để lại lớp niêm mạc phía dưới chảy máu
      Xử trí
-      Dùng thuốc kháng nấm Nystattin, mật ong hay glyxerin borat đánh sạch nấm ngày 3-4 lần
Giai đoạn từ 6 tháng tới 3 tuổi
1.      Là thời kỳ mọc răng sữa ở trẻ
Trong giai đoạn này, trẻ cần được bổ sung can xi vì đây là thời kỳ bắt đầu có sự biến động trên xương hàm do mọc răng
Sơ lược thời gian mọc răng sữa của trẻ: thời kỳ này trẻ mọc đủ 20 răng sữa
Từ 6 tháng đến 3 tuổi
Hàm trên:
-      2 răng cửa giữa: 7 tháng
-      2 răng cửa bên: 9 tháng
-      2 răng nanh: 18 tháng
-      2 răng cối nhỏ: 14 tháng
-      2 răng cối lớn: 24 tháng
      Hàm dưới
-      2 răng cửa giữa: 6 tháng
-      2 răng cửa bên: 7 tháng
-      2 răng nanh: 16 tháng
-      2 răng cối nhỏ: 12 tháng
-      2 răng cối lớn: 20 tháng
2.      Viêm loét miệng
Lâm sàng:
-      Bệnh thường xuất hiện sau khi trẻ sốt do bệnh toàn thân như: sởi, thuỷ đậu, sau sốt mọc răng sữa, trẻ vệ sinh răng miệng kém
-      Các nốt loét to nhỏ, có giả mạc trắng hay vàng, động vào dễ chảy máu
-      Trẻ bỏ ăn vì đau miệng
Xử trí
-      Vệ sinh răng miệng hằng ngày sau khi ăn
-      Cho kháng sinh toàn thân kết hợp
-      Cho thuốc giảm đau
-      Bôi thuốc chữa viêm loét
3.      Viêm lợi cấp
Thường gặp ở trẻ 6 tháng- 3-4 tuổi xuất hiện sau sốt mọc răng
Lâm sàng:
-      Trẻ sốt, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn do lợi đau và viêm tấy, chảy máu lợi, hơi thở hôi.
-      Tại chỗ: các viền và núm lợi gây viêm tấy đỏ, không bám mềm mại vào cổ răng, động vào dễ chảy máu
Xử trí
-      Không dùng bột lá cây, dễ gây nhiễm trùng huyết ( vì lợi đang viêm cấp)
-      Đưa tới bác sĩ RHM điều trị và hướng dẫn chăm sóc
4.      Viêm lưỡi bản đồ mãn tính
Nguyên nhân: Thường thấy ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân bệnh có thể do thiếu vitamin B, do dị ứng, di truyền, do có sự xáo trộn của chu kỳ thay thế tế bào lưỡi
Lâm sàng:
Trên mặt lưỡi có vùng trơn láng màu đỏ, viền trắng (trên đó là vùng gai lưỡi mất gai). Các mảng loang này thay đổi từ vùng này sang vùng khác. Có thời gian tự mất sau lại xuất hiện.
Xử trí:
Chủ yếu vệ sinh răng miệng tốt
Trường hợp viêm loét lưỡi có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác  sĩ TMH    
5.      Sâu răng, viêm tuỷ răng và Abse răng
 Nguyên nhân: Do sâu răng không được chữa trị kịp thời dẫn đến biến chứng gây viêm tủy răng
Biểu hiện lâm sàng
Sâu men: ( men bị axit phá hủy)
-      Răng ê buốt nhẹ thoáng qua
-      Xử trí : đánh răng thuốc có Fluor
Sâu ngà: ( axit phá hủy xuống ngà răng)
-      Trẻ bị ê buốt nhiều khi do uống nước nóng lạnh hay khi ăn nhai
-      Xử trí: Phải đi hàn răng
Biểu hiện lâm sàng:
Viêm tủy: sâu răng nặng đã lan tới tủy răng
Đau nhức từng cơn tự nhiên kể cả khi không nhai, đau nhiều từng cơn về đêm
-      Xử trí : chữa tủy răng
Biểu hiện lâm sàng:
Viêm cuống răng- abse lợi vùng răng tương ứng
-       Đau nhức tự nhiên, liên tục có sưng tấy mủ vùng lợi răng hay sưng tấy mặt bên răng đau
Xử trí
-      Răng sữa: Với trẻ dưới 6 tháng tuổi sưng tấy lần đầu có thể điều trị kháng sinh và bảo tồn răng. Với trẻ trên 6 tháng tuổi sưng tấy nhiều lần thì phải nhổ răng
-      Răng vĩnh viễn: cố gắng chữa răng bảo tồn.
Giai đoạn từ 6 tuổi-12 tuổi
Viêm lợi
Biểu hiện lâm sàng:
-      Hơi thở hôi
-      Lợi chảy máu khi đánh răng
-      Lợi mềm, sưng đỏ, căng bóng
-      Có mảng bám vào răng xốp, mảng bám vào cổ răng
-      Ấn tay: có mủ chảy ra quanh răng, răng lung lay, lợi phập phồng không bám sát cổ răng
Xử trí:
-      Vệ sinh răng miệng sáng tối,
-      Lấy sạch cao răng
-      Thuốc điều trị viêm lợi
-      Kháng sinh chống nhiễm trùng ( Theo chỉ định của bác sĩ RHM)
Thiểu sản men răng
Biểu hiện: răng mất men, gồ ghề
Màu vàng xám
Dễ mủn nát và gãy răng
Xử trí
-      Hàn răng nếu thiểu sản men trên thân răng để lại hố sâu
-      Cho bổ sung thêm canxi ( theo chỉ định của bác sĩ TMH)
Răng mọc lệch lạc
Nguyên nhân:
-      Do cung hàm quá hẹp
-      Răng vĩnh viễn mọc thiếu chỗ
-      Do nhổ răng sữa sớm-> xô lệch răng
Răng vĩnh viễn mọc thiếu chỗ
Xử trí:
-      Nhổ răng sữa
-      Chỉnh nha thẩm mĩ ( theo chỉ định của bác sĩ TMH)
Cách chăm sóc và dự phòng bệnh răng miệng
1.      Đánh răng thường xuyên: 2 lần/ngày từ lúc 3 tuổi
2.      Dùng kem đánh răng có Flour
3.      Khám răng định kỳ 6 tháng/ lần
4.      Ăn uống đủ chất: đặc biệt là bổ sung can xi (theo chỉ định của bác sĩ RHM) đảm bảo sự hình thành và phát triển của răng
      Bác sĩ Nguyễn Nguyệt Nhã
                                                                    Khoa Tai mũi họng-Mắt-Răng hàm mặt

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

CHẬM NÓI: NỖI LO LẮNG CỦA CÁC BẬC PHỤ HUYNH

Ba năm đầu đời là khỏang thời gian vàng cho sự phát triển bền vững của trẻ, phát hiện ra những trục trặc về phát triển trong thời gian này chúng ta có thể điều chỉnh để trẻ lớn khôn  bình thường. Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng dễ dàng nhìn nhận trẻ của mình có vấn đề để hợp tác với các nhà chuyên môn trong chương trình can thiệp sớm để chăm sóc, dìu dắt trẻ phát triển cho tốt.
Xin chia sẻ những cảm xúc như trên  với các phụ huynh có trẻ  khó khăn về nói qua những dòng nhật ký của mẹ bé B.M.K.
 
 
 Phòng điều trị Tâm Lý-Vận Động bệnh viện Nhi Đồng 1
Ngày con chào đời, tôi mừng vui hơn bất cứ điều gì khác trong cuộc đời.. Tôi cảm nhận đuợc niềm hạnh phúc làm mẹ, và hạnh phúc lớn nhất là “cục vàng” của tôi lành lặn (điều mà tôi cứ lo ngay ngáy trong suốt thời gian mang thai). Bé lớn lên từng ngày trong nỗi hân hoan, mừng vui của cả hai bên nội ngọai.
Và niềm vui của tôi lớn dần lên  khi con bắt đầu gọi “ba” lúc bé đuợc bẩy tháng rưỡi, gọi “mẹ ” lúc tám tháng. Tôi vẫn nuôi và chăm sóc bé bình thường nhưng lúc sau này có hơi cực hơn một chút vì bé cứ thức đêm bú cho đến khi bé đuợc khỏang muời chín tháng, tình cờ một lần cô giáo của người em họ tôi lưu ý rằng khả năng nhiều là bé bị chậm nói! Đó là cô X., làm ở khoa PHCN bệnh viện Nhi Đồng 1.
Cô X. dưa ra những triệu chứng của trẻ chậm nói mà tôi xâu chuỗi lại thì thấy con mình đúng như vậy, chẳng hạn như bé khó ngủ, hay khóc đêm, sợ chải đầu, khó thích nghi với những cái mới, lăng xăng (mà tôi cứ nghĩ là do bé hiếu động). Bé có một số dấu hiệu trong phổ tự kỷ!
Lần đầu tiếp cận với những thông tin đó, tôi nhìn con không cầm đuợc nước mắt: chẳng lẽ sinh con ra lành lặn, bây giờ lại mắc một căn bệnh kỳ quặc vậy sao? Cô khuyên tôi cho con đi tập nói! (nghe lạ tai quá!).
Rồi tôi theo cô cho bé vào bệnh viện học nói. Tôi đuợc cô cho vào học cùng với bé. Cô cho bé chơi, tuy là chơi nhưng ngày đầu tiên  hầu như bé không chịu hợp tác, nhưng cô rất kiên nhẫn và cương quyết. Cô dạy tôi cách chơi với con, dạy bé quan sát, tập bé biết lắng nghe, massage cho bé, tập cho bé tự xúc cơm ăn, tự mang giầy, khuyên cho bé đi nhà trẻ…Cho bé đi tập nói mà tôi phải giấu mọi người, chỉ có người thân trong nhà biết thôi, nhưng trong nhà cũng có đã có ý kiến phản bác, quan niệm rằng trẻ con từ từ sẽ biết nói! Cũng có một số người kể cho tôi nghe nhiều trường hợp trẻ đến ba, bốn tuổi mới biết nói. Tôi rất phân vân, nhưng tôi cũng hiểu rằng nếu được tác động sớm trẻ sẽ phát triển tốt, thuận lợi hơn, nếu để trễ vấn đề sẽ khó khăn, phức tạp hơn (vì tôi có một đứa cháu bị chậm phát triển).
Những ngày cho con đi tập, tôi mới biết là tôi chưa biết chơi với con, chưa biết cách dạy cho con đúng phương pháp. Cố gắng làm theo những điều cô đã hướng dẫn, sau ba tháng bé bé đã biết tập trung trong việc học hơn (thật ra học là chơi), bé tỏ ra thích trong lúc học cùng cô, nhưng vẫn chưa chịu nói, thực sự tôi cũng đã nản lòng. Còn đi học ở nhà trẻ thì cô giáo luôn phàn nàn là bé tè dầm hòai không chịu kêu cô.
Tuy thế, nhưng vì con, tôi đã cố vượt lên chính mình, tôi áp dụng cách giao tiếp với con ở nhà mà cô X. đã hướng dẫn : bắt bé phải nói những khi đòi uống nước, đòi đi tiêu tiểu. Khỏang hai tháng sau đó nữa, bé mới  chịu nói, bắt đầu là “ái”, “ỉa”, “ước” (đái, ỉa, nước). Tôi mừng qúa với những tiến bộ của con. Từ đó vốn từ của bé nhiều dần lên, rồi bé nói đuợc tiếng đôi, tiếng ba.
Sau một năm tập nói, tập tâm-vận động, đi học nhà trẻ, kết hợp theo dõi với bác sĩ thần kinh, chuyên viên tâm lý, bé đã đuợc lọai khỏi nhóm chậm nói trong lớp ở nhà trẻ.
Sau một năm rưỡi bé đã bập bẹ hát, đọc thơ, biết diễn tả cảm xúc tuy vẫn còn ngọng.
Bây giờ bé đã ba tuổi, cảm nhận của mọi người khi tiếp xúc với bé là bé phát triển như một trẻ bình thường.
Thật sự đến lúc này tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhiều lắm và tận đáy lòng luôn trân trọng cô X. vì đã phát hiện vấn đề của con tôi rất sớm, mở cho con tôi cánh cửa hòa nhập với thế giới xung quanh bé.
 
Minh Thư viết

Các Triệu Chứng Chớ Coi Thường Ở Trẻ Em

Da bé xuất hiện các ban bất thường, trẻ đau bụng hay sốt kéo dài... đều có thể là dấu hiệu của các bệnh cần khám chữa kịp thời.
Lên chức cha mẹ, đồng nghĩa với việc bạn phải kiêm luôn vai trò bác sĩ, phải học cách bắt bệnh cho con mỗi khi chúng sổ mũi, hắt hơi, khó chịu… Bạn cũng cần biết xử lý những tình huống thông thường và đặc biệt phải biết nhận ra những dấu hiệu nguy hiểm của trẻ để đưa trẻ đến bác sĩ kịp thời.
Có nhiều bà mẹ chủ quan nghĩ rằng "nhẹ thôi mà", "đơn giản, ra hiệu thuốc mua vài viên thuốc uống là khỏi", nhưng kỳ thực trẻ lại bị bệnh trọng không được chữa kịp thời có thể gây hậu quả khôn lường.
Dưới đây là các dấu hiệu bệnh trẻ em mà các bà mẹ chớ nên coi nhẹ:

kham-JPG-1360645888-1360645968_500x0.jpg
Ảnh minh họa: Minh Thùy.
Sốt cao trên 39 độ C ở trẻ dưới 2 tuổi
 Trẻ em thường hay bị sốt do các bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn và ngay cả khi mọc răng. Tuy nhiên, khi cơn sốt trên 39 độ C tấn công trẻ thì cần lưu ý, đặc biệt với trẻ dưới 3 tháng vì ở tuổi này trẻ dễ bị sốt cao co giật gây ảnh hưởng đến tính mạng. Cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt và đưa đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân gây sốt.
Còn khi trẻ đã trên 2 tuổi, sốt là bệnh lý phổ biến nên bạn không cần quá lo lắng nếu thấy bé không mất nước và không có biểu hiện bất thường. Hãy dùng thuốc hạ nhiệt như paracetamol với liều 10mg/kg/1 lần và 4-6 tiếng sau có thể nhắc lại. Nếu trẻ không hạ sốt dù đã uống thuốc, hoặc sốt kéo dài hơn 5 ngày, hãy đi khám tại các cơ sở y tế vì khả năng bị nhiễm khuẩn cao.

Trẻ sốt kèm theo cứng cổ, đau đầu hoặc phát ban
Khi trẻ sốt và kèm theo xuất hiện các ban giống như vết bầm tím hoặc đốm nhỏ hình sao cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não, viêm não do mô cầu. Bệnh này rất nguy hiểm đến tính mạng vì diễn biến nhanh và nặng.

Khi trên da trẻ xuất hiện các ban bất thường
Trên da trẻ xuất hiện những nốt mẩn theo các xoáy tròn, có những đốm nhỏ li ti không biến mất khi ấn lên da, hoặc xuất hiện các vết bầm lớn thì cần cho trẻ đi khám vì đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm như rối loạn đông máu.
Nếu tự nhiên trên da lại xuất hiện ban lớn đa hình thái, thường hơi sưng lên và ngứa có thể là dấu hiệu dị ứng. Ngoài ra trẻ có thể kèm sưng môi hoặc khò khè khó thở… cần nhanh chóng cho trẻ gặp bác sĩ để điều trị và tìm hiểu nguyên nhân.
Xuất hiện nốt ruồi mới hoặc hình dạng nốt ruồi cũ thay đổi: Hãy chú ý kiểm tra da của trẻ thật kỹ khi tắm và hỏi ý kiến bác sĩ khi nốt ruồi bỗng "biến hình" hoặc sưng lên… vì đó có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư da.

Đau bụng
Trẻ lớn xuất hiện đau bụng  phía dưới, bên phải hoặc đột nhiên đau quặn bụng... thì các bà mẹ hãy bảo trẻ thử nhảy lên xuống, nếu thấy đau hơn khi làm vậy thì đó có thể là dấu hiệu đau ruột thừa.
Nếu trẻ nhỏ bị đau bụng thất thường, lúc thì quặn thắt lúc lại không sao, đó có thể là dấu hiệu của chứng lồng ruột - một loại rối loạn nghiêm trọng ở trẻ nhỏ khi các đoạn ruột bị vướng vào nhau.
Trong cả hai trường hợp trên đều phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tiến sĩ Lê Minh Hương
Khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, BV Nhi Trung ương

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Bữa Ăn Sáng Cho Con

   “Reng… reng… chuông điện thoại reo, mẹ choàng thức dậy, đã 5 giờ sáng rồi sao? Tối qua mẹ bận làm việc khuya nên cảm thấy còn mệt và uể oải. Vội vàng ngồi dậy mẹ đi xuống nhà sau rửa mặt và bắt tay vào chuẩn bị bữa ăn sáng cho con. Hôm nay con sẽ ăn gì nhỉ? À, tối qua con nói là sáng mai con thích ăn mì gói. Được rồi mẹ cho thịt bằm đã xào sẵn vào nồi, thêm một ít cải ngọt, cho mì gói vào, nêm một chút đường và muối I ốt… Xong rồi, phải kêu con dậy thôi để còn kịp ăn rồi đi học nữa chứ. À, mà phải bỏ một hộp sữa vào cặp để  con uống thêm vào giờ ra chơi. 
Năm nay con đã vào lớp 1, mẹ biết rằng đối với con chắc hẳn là mọi thứ sẽ rất nhiều lạ lẫm và bỡ ngỡ. Nào là bạn mới, thầy cô mới, nề nếp học tập mới và tất nhiên là phải học nhiều hơn chơi. Có lần dậy trễ, hai mẹ con vội vã đến trường, mẹ ghé mua ổ bánh mì bỏ vào cặp, dặn dò con nhớ ăn. Thế mà đến chiều về, mẹ mở cặp ra, ổ bánh vẫn còn nguyên. Mẹ lo lắng hỏi con “Sao con không ăn?” “Trễ quá con không kịp ăn mẹ ạ” “Thế còn giờ ra chơi?” “Con quên, con đuổi theo bạn Nam chơi, vui quá mẹ ơi”. Thì ra con gái mẹ mải chơi nên quên cả ăn. Con làm mẹ lo lắng quá, con vốn tính đã lười ăn, nếu cứ tiếp tục như thế thì làm sao con đủ sức khỏe để học? Thế là sau đó, qua hai lần liên tục con quên ăn,  mẹ quyết định thức dậy sớm hơn tí nữa để chuẩn bị bữa ăn sáng cho con, có vậy mẹ mới yên tâm…”
   Trên đây là bức thư tâm tình của một bà mẹ về chăm sóc bữa ăn sáng cho bé. Và không chỉ riêng bà mẹ này mà còn rất nhiều bà mẹ, ông bố khác cũng rất quan tâm lo cho các bé được ăn sáng đầy đủ trước khi đến trường. Có bà mẹ mang theo thức ăn đã chuẩn bị sẵn từ nhà và cho con ăn ngay trước cổng trường, có lẽ nhà ở xa trường nên mẹ sợ bé đi học trễ. Ông bố khác thì vội vã chở con đến quán phở gần trường. Rõ ràng là các bậc phụ huynh này đã thấy rõ tầm quan trọng của bữa ăn sáng đối với các em và quả thật là như thế vì sau một đêm dài, cơ thể bé và cả người lớn chúng ta rất cần được nạp đầy đủ năng lượng để bắt đầu một ngày học tập, làm việc mới. Buổi sáng lại là buổi học tập, làm việc dài nhất, năng động nhất trong ngày. Không ăn sáng đầy đủ, trẻ sẽ học kém tập trung, mệt mỏi, uể oải, dễ ngủ gật trong giờ học. Trẻ cũng sẽ kém nhanh nhạy và chính xác trong học tập và làm toán. Còn đối với người lớn chúng ta, không ăn sáng đầy đủ hoặc chỉ ăn qua loa, làm việc năng suất cũng kém hơn, dễ nhầm lẫn, mệt mỏi, cáu gắt khi áp lực làm việc căng thẳng. Như vậy, lợi ích trước mắt của việc ăn sáng thường xuyên và đầy đủ là giúp cho trẻ em và người lớn học tập, làm việc hiệu quả hơn rất nhiều, còn lợi ích lâu dài của nó là giúp cho mọi người có được tình trạng dinh dưỡng tốt, giúp trẻ tăng trưởng về cân nặng và chiều cao, phát triển về mặt trí tuệ, khả năng học tập.
   Bữa ăn sáng cũng rất quan trọng đối với những ai có nhu cầu muốn giảm cân vì nguyên tắc ăn uống cho những đối tượng này là chú trọng ăn sáng và giảm ăn về chiều tối. Năng lượng từ bữa ăn sáng sẽ được tiêu hao hết qua các hoạt động trong ngày nên không gây tích lũy mỡ cho cơ thể, khác với lúc chiều tối cơ thể thường nghỉ ngơi, ít hoạt động nên rất dễ mập nếu ăn quá dư thừa năng lượng.
   Vậy thực hiện bữa ăn sáng cho gia đình như thế nào?
   Điều quan trọng mà các bà mẹ cần biết là bữa ăn sáng cũng là một bữa ăn chính quan trọng, chiếm từ 1/4 đến 1/3 tổng nhu cầu về năng lượng trong ngày. Do vậy, bữa ăn sáng cũng cần phải đủ chất, ngoài chất đường bột phải có thêm các chất đạm, chất béo, rau và trái cây. Chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu rất cần thiết cho hoạt động của não bộ, kích thích hệ thần kinh, giúp học tập và làm việc năng động, hiệu quả. Nếu chỉ ăn chất đường bột như bánh, mì gói, khoai củ không thôi thì dễ buồn ngủ sau đó.
   Để có thể chuẩn bị bữa ăn sáng một cách nhanh chóng, các chị cần phải có kế hoạch về buổi ăn sáng cho gia đình trong nhiều ngày trước đó và nên chuẩn bị, sơ chế thức ăn trước vào buổi chiều tối ngày hôm trước. Nên khuyến khích mọi người cùng tham gia trong việc chuẩn bị bữa ăn sáng cho gia đình từ khâu chọn món ăn, đi chợ, sơ chế thức ăn, nấu nướng và chuẩn bị bàn ăn.
   Các chị cũng có thể tổ chức cho gia đình ăn sáng tại các hàng quán bên ngoài miễn là đủ chất và hợp vệ sinh. Tuy nhiên, nếu tổ chức tại gia đình thì mọi người sẽ thụ hưởng được rất nhiều lợi ích từ bữa ăn sáng. Trước tiên, các thành viên sẽ có được một bữa ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh được các phụ gia, hóa chất độc hại như phẩm màu, hàn the, thuốc trừ sâu… đồng thời giúp bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ như I ốt, vitamin A. Thêm vào đó, bữa ăn sáng tại gia đình còn đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng, khẩu vị ăn uống của từng người nhưng quan trọng nhất chính là tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có những giây phút quây quần, gắn bó bên nhau, có cơ hội để chia xẻ và động viên nhau trước khi hối hả bước vào một ngày mới.
BS Nguyên Hoa

Chăm sóc các cháu nhỏ bị phỏng


   Phỏng là một tai nạn sinh hoạt rất thường gặp ở trẻ em để lại nhiều sang chấn về thể chất và tinh thần cho trẻ và cả người thân trẻ. Việc điều trị thường phải kéo dài trung bình từ 1 tháng đến 3 tháng đối với các trường hợp phỏng nặng. Trong điều trị phỏng nặng, việc chăm sóc của người nhà cho bệnh nhi đóng vai trò rất quan trọng giúp các cháu mau lành bệnh và tránh khỏi di chứng tàn tật sau này. Trong một buổi sinh hoạt thân nhân bệnh nhi được tổ chức định kỳ mỗi tuần tại Khoa Phỏng BV Nhi Đồng 1, các bà mẹ có con nằm viện dài ngày đã tận tình chia sẻ kinh nghiệm cho các bà mẹ mới vào khoa để giúp họ bình ổn về tâm lý và biết cách chăm sóc các cháu nhỏ bị phỏng.
   1. Chăm sóc và chia sẻ về tâm lý
   Chị H.T.C ở Tiền Giang, tổ trưởng tổ thân nhân bệnh nhi, có đứa con 4 tuổi bị phỏng xăng nằm điều trị khoảng 2 tháng, tâm sự: “Có mấy chị mới vào cứ khóc suốt, cháu nhà tôi bị phỏng nặng nên tôi biết tâm trạng của các chị ấy. Tôi phải nói với các chị ấy là các bác sĩ, các cô ở đây lo tốt lắm, chị yên tâm đi chứ cứ khóc hoài, buồn hoài thì tinh thần đâu mà lo cho con. Nghe vậy mấy chị đó cũng yên tâm, hết khóc nữa” 
   Chị T.T.A, ở Long An nói: “Còn đối với các cháu nhỏ thì nên chơi đùa với bé, mang đồ chơi cho bé chơi, chọc bé cười  để giúp bé bớt buồn và quên đau. Không được nói dối bé, nên nói thật về bệnh của nó  để nó hiểu và  cố gắng ăn, cố gắng tập”.
   2. Chăm sóc dinh dưỡng
   Về vấn đề dinh dưỡng, một chị thắc mắc như sau: “Cháu bé của tôi 27 tháng tuổi, tôi có thể cho bé ăn trái cây được không?”. Chị N.H.L ở Bạc Liêu, mẹ của một bé gái 10 tuổi bị phỏng dầu hỏa chia sẻ: “Tôi có nghe mấy cô ở đây dặn là đối với các bé nhỏ có thể cho ăn các loại trái cây mềm như chuối, đu đủ, sa bô chê, xoài... nhưng nên mua nguyên trái rồi xắt ra cho bé ăn, đừng mua trái cây xắt sẵn bán  ở bên ngoài, ăn vào dễ bị tiêu chảy lắm”.
   Một chị khác hỏi: “Cháu nhỏ nhà tôi khó ăn lắm, tôi không biết phải làm sao?”. Chị N.H.L trao đổi: “Nó đang bệnh và đau nên ăn khó, phải dỗ bé ăn để nó có sức, cho bé ăn vừa no thôi. Không nên cố ép cháu ăn nhiều, có khi nó ói ra hết, uổng công mình đút nãy giờ. Khi nào bé lành lặn thì cho ăn nhiều. Nhớ cho bé ăn đầy đủ các chất, đừng kiêng cữ gì hết để vết thương mau lành”.
   Chị H.T.C bổ sung thêm: “Còn chén muỗng thì phải trụng nước sôi, úp khô ráo hoặc lấy khăn sạch lau khô”.
   3. Tập vật lý trị liệu
   Một  chị  tâm sự: “Mỗi lần tập cho con, nó than đau không chịu tập. Nhìn thấy nó khóc và đau đớn, tôi chịu không nổi”. Chị L.T.T ở Cần Thơ, mẹ bé Thảo 15 tháng tuổi bị phỏng nước sôi, nói: “Lúc đầu tập đau dữ lắm, từ từ thì quen dần, không thể tập 1 lần là được. Nếu mình sợ nó đau, bỏ tập là mình hại nó. Thương nó là cố gắng động viên nó tập, có khi chọc cười, làm trò cười cho nó bớt đau, chứ không thì bé sẽ bị tật, đi cà nhắc suốt đời”.
   Chị N.H.L nói thêm: “Phải khen nó nữa, con bé nhà tôi nghe mấy cô khen thế là nó chạy lúp xúp,  thấy thương ghê. Tập riết thì gân nó dãn ra, sẽ hết đau và đi được. Cứ tập từng chút một, ban đầu còn đau thì cho đứng nhẹ, gượng nhẹ rồi từ từ tập đi”
   4. Và quan trọng nhất là luôn giữ vệ sinh trong suốt quá trình chăm sóc trẻ bị phỏng
   Chị L.T.P ở Bình Dương nói “Cần phải luôn giữ vệ sinh cho các cháu bé để vết phỏng không bị nhiễm trùng và mau lành. Các cô ở đây có dặn là mỗi lần vào chăm sóc bé thì phải mặc áo choàng, đeo khẩu trang, mang nón và nhất là phải rửa tay, phải chà tay kỹ, chà cả ngón tay và móng, cắt ngắn các móng tay. Sau khi bé đi tiêu, tiểu, hoặc sau khi thay tả cho bé thì phải rửa tay lại ngay, trước khi cho bé ăn cũng phải rửa tay để bé không bị tiêu chảy. Cả đồ chơi của bé cũng phải thường xuyên rửa sạch với xà bông và phơi khô”.
   Chị H.T.C nói thêm: “Không được sờ mó lên vết thương của bé, càng hạn chế tiếp xúc với vết thương thì càng tốt. Khi ra ngoài nhớ cột tay hoặc chân bé lại sao cho chắn chắc và an toàn. Thương bé lắm nhưng nếu mình cột lỏng quá, bé sẽ lấy tay quào hoặc gãi vào  vết thương vì bé ngứa quá sẽ  gây chảy máu và nhiễm trùng”.
   5. Sơ cứu phỏng đúng cách là điều mà các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần phải biết
   Theo Bác sĩ Bạch Văn Cam, Trưởng khối Hồi sức Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 cho biết: “Cách sơ cứu phỏng đúng cách vô cùng quan trọng, giúp giảm nhiễm trùng và di chứng sẹo ở trẻ sau này, giảm đau đớn và tàn tật cho trẻ, giảm thời gian nằm viện và chi phí điều trị. Do vậy người nhà phải biết cách xử trí đúng khi có tai nạn xảy ra, có nhiều trường hợp do người nhà xử trí sai nên vô tình đã làm nặng thêm tình trạng phỏng của bé” .
   - Cách sơ cứu phỏng đúng cách như sau:
      ٠ Đầu tiên là phải làm mát ngay vùng bị phỏng để không cho nhiệt gây tổn thương thêm cho da, bằng cách đặt vết phỏng dưới vòi nước hoặc dội nước sạch lên vết phỏng trong vòng vài phút.
      ٠ Rửa sạch vết phỏng bằng nước đun sôi để nguội
      ٠ Bôi Pommade Silver sulfadiazine có bán ở các nhà thuốc với tên thương mại như Siliverine, Silvirine, Flammazine hoặc Silvadene sẽ giúp vết thương mau lành và tránh bội nhiễm
      ٠ Luôn quan sát vết phỏng ít nhất 24-48 giờ để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như đỏ, sưng, đau. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế.
   - Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nguy hiểm như:
      ٠ Ngất xỉu, bất tỉnh
      ٠ Tay chân lạnh
      ٠ Khó thở
      ٠ Phỏng diện tích rộng hoặc phỏng sâu vì trẻ có thể bị mất một lượng lớn dịch tiết qua vết phỏng có thể đưa đến sốc phỏng do thiếu dịch
      ٠ Phỏng ở những vị trí nguy hiểm như mặt, bàn tay, bàn chân, bộ phận sinh dục… vì gây sưng, nghẽn đường thở làm khó thở trong phỏng vùng mặt, phỏng miệng hoặc ảnh hưởng về thẩm mỹ, chức năng hoạt động sau này.
   - Cần lưu ý những điều sau:
      ٠ Không làm bể các vết phỏng bọng nước vì có thể làm vết phỏng nhiễm trùng nặng thêm
      ٠ Không bôi các chất như nước mắm, giấm, mỡ, kem đánh răng, bùn non lên vết phỏng sẽ làm vết phỏng nhiễm trùng nặng
      ٠ Không cần thiết phải cữ ăn các loại thực phẩm như tôm, cua, thịt bò, thịt gà, rau muống, cam vì ăn những thực phẩm này không hề gây sẹo. Trái lại, nếu kiêng cữ quá mức sẽ gây thiếu chất dinh dưỡng, đặt biệt là chất đạm khiến vết phỏng chậm lành.
      ٠ Không dùng các loại băng có lông tơ mịn hoặc các băng dính dán lên vùng bị phỏng
   Trong trường hợp phỏng điện, không được chạm vào hoặc tới gần người bị nạn nếu dòng điện chưa được ngắt.
Các bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong Buổi sinh hoạt thân nhân bệnh nhi tại Khoa Phỏng-BV Nhi Đồng 1
Một bà mẹ đang chơi đùa cùng bé tại Khoa Phỏng
 
Nguyên Ái thực hiện

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh Bình Thường



Nên cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt ngay sau sanh
   Trẻ sơ sinh rất cần được chăm sóc và bảo vệ kỹ càng để giúp bé tránh các yếu tố gây nguy hại cho sức khỏe trong thời gian đầu khi tiếp xúc với môi trường mới. Sau đây là những điều lưu ý các bậc cha mẹ khi chăm sóc đứa con bé bỏng của mình
   Nhng lưu  ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh ngay sau sanh.
   ­ Giữ ấm trẻ, cho tiếp xúc da kề da (với mẹ hoặc người nuôi dưỡng) ít nhất 4 giờ đầu ngay sau sanh.
   ­ Cho bú mẹ càng sớm càng tốt ngay sau sanh để tận hưởng nguồn sữa non chứa rất nhiều chất kháng khuẩn.
   ­ Đảm bảo chắc chắn trẻ được tiêm Vitamin K1 và các vaccin BCG, VGSVB.
   Nhng lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bình thường:  có 9 điều quan trọng sau mà chúng ta cần nhớ
   1-     Cách giữ ấm cho trẻ.
   ­ Nên có phòng riêng, đảm bảo thông thoáng và ấm (đặc biệt vào mùa lạnh).
   ­ Cho nằm chung với mẹ ngay.
   ­ Cần mặc quần áo đủ ấm.
   ­ Đội nón và mang vớ cho trẻ.
   ­ Trong đêm lạnh, nên đắp thêm chăn cho trẻ.
   ­ Không nn quấn trẻ quá chặt, có thể gây khó thở.
   2-     Cách  tắm và vệ sinh trẻ.
   * Tắm bé:
   ­ Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tắm hoặc làm vệ sinh cho trẻ.
   ­ Phòng tắm ấm áp, không có gió.
   ­ Chuẩn bị đầy đủ khăn khô mềm, quần áo và tã để thay.
   ­ Dùng khăn mềm để lau tránh chà xát trên da trẻ.
   ­ Tắm trẻ với vòi nước ấm và xà phòng có độ kiềm thấp.
   ­ Vệ sinh mắt, lau mặt, gội đầu và tắm nửa người trước, rồi mới tắm nửa người dưới. Sau đó đặt trẻ nằm nghiêng một bên phòng ngừa trào ngược các chất từ dạ dày vào phổi.
   ­ Sau khi tắm lau khô trẻ toàn thân, mặc quần áo vào ngay, giữ ấm cho trẻ.
   Nếu có vùng da tổn thương, sau tắm phải rửa vết thương với dung dịch sát khuẩn.
   V sinh cho bé:
   ­ Lau mặt, cổ và các nếp gấp thường xuyên bằng khăn mềm, ẩm. Sau đó, đến khăn mềm khô.
   ­ Thay tã thường xuyên.
   ­ Lau sạch vùng quấn tã khi dơ bằng bông gòn ẩm. Dùng loại tã thấm nước tốt.
   ­ Không nên quấn tã quá rốn vì khi trẻ tiểu dễ gấy ướt rốn, nhiễm trùng rốn.
   1-     Cách chăm sóc rốn cho trẻ :
   ­ Rửa tay trước và sau khi chăm sóc rốn.
   ­ Dùng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước sạch để rửa rốn. Không dùng dung dịch sát trùng trong chăm sóc rốn bình thường.
   ­ Tháo kẹp rốn khi cuống rốn đã khô teo.
   ­ Tháo băng rốn, để rốn hở, thông thoáng, tiếp xúc không khí, tránh che đậy rốn, mang băng thun rốn dễ gây mủ rốn và rốn hôi.
   ­ Hạn chế sờ vào cuống rốn và vùng quanh rốn.
   ­ Để cuống rốn hở.
   ­ Quấn tã và quần áo phía dưới rốn.
   ­ Không đắp bất cứ thứ gì lên rốn.
   ­ Nếu rốn bẩn, rửa bằng nước sạch có thể kèm xà phòng, lau khô bằng vải sạch.
   ­ Chăm sóc rốn cho đến khi rốn khô và rụng.
   Lưu ý: luôn để rốn thoáng, không che đậy hoặc đắp thuốc gì khác.
   1-     Cách chăm sóc mũi, mắt.
   ­ Rửa tay trước và sau chăm sóc mũi, mắt.
   ­ Khi tắm dùng khăn sạch lau mắt trẻ với nước ấm, sau đó mới lau mặt. Tránh để nước tắm hoặc xà phòng vào mắt trẻ.
   ­ Nhỏ Natrichloride 0,9% vào mắt, mũi, nhỏ ngày 3-4 lần. Có thể nhỏ nhiều hơn nếu có ghèn mắt hoặc nghẹt mũi.
   ­ Lấy chất tiết mũi.
   2-     Cách cho trẻ ăn.
   ­ Cho trẻ bú sữa mẹ bất cứ lúc nào trẻ đói và đòi bú, cả ngày lẫn đêm. Nên cho trẻ bú nhiều lần, tối thiểu 8 lần/ 24 giờ để kích thích tiết sữa.
   ­ Mẹ phải biết cách bồng bế em bé đúng tư thế.
   ­ Phải biết cho trẻ ngậm bắt vú tốt và cách cho trẻ bú hiệu quả.
   ­ Tinh thần mẹ phải thoải mái, ăn uống đấy đủ để có sữa nuôi con.
   3-  Cách chăm sóc miệng.
   ­ Rửa tay trước và sau vệ sinh miệng.
   ­ Dùng một miếng vải mềm quấn xung quanh ngón tay thấm nước muối loãng 0,9% để rà cho sạch miệng.
   ­ Khi có nấm miệng hoặc vết loét miệng cũng chăm sóc tương tự nhưng rơ thêm vào vết loét hoặc nấm miệng Glycerin borate 3%. Sau đó rơ lại bằng nước muối loãng 0,9%.
   4-     Các vấn đề khác.
   ­ Đặt trẻ nằm ngửa hoặc nghiêng một bên.
   ­ Để trẻ tránh xa khói thuốc. Không hút thuốc trong phòng của trẻ.
   5-     Đề phòng nhiễm khuẩn.
   ­ Phải rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc trẻ.
   ­ Đồ trẻ phải luôn khô, sạch.
   ­ Cho bú mẹ đủ và hoàn toàn.
   ­ Tất cả đồ dùng của trẻ như: muỗng, ly phải được rửa sạch và ngâm nước sôi trước khi dùng.
   6-     Quan sát trẻ.
   ­ Màu da: để phát hiện vàng da nhất là trong tuần tuổi đầu tiên.
   ­ Nhịp thở: dễ hay khó thở.
   ­ Thân nhiệt: tăng hay hạ thân nhiệt.
   ­ Ngủ có đủ giấc hay không
   ­ Cử động lúc thức.
   ­ Tiêu tiểu.
BS Nguyễn Kiến Mậu – Phó trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1