Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

SERIES GIẤC NGỦ TRẺ SƠ SINH: TỪ 3- 4 THÁNG TUỔI

     Hành vi cực kỳ “khổ tâm” của các cháu ở lứa 3-4 tháng tuổi là “đau bụng”. Các cháu này luôn ở tình trạng căng thẳng, khó quản lý, thức tỉnh và kêu khóc suốt ngày, nếu ngủ thì giờ ngủ thất thường và rất nhạy cảm với các kích thích.
Tình trạng này thường kéo dài từ 3 đến 5 tháng. Bố mẹ thường rất lúng túng, không hiểu trẻ quấy khóc do đói, mệt hay do cáu kỉnh mà dỗ cách nào cũng không nín. Hãy bình tĩnh, trẻ không sao cả, tốt nhất là bạn cứ chăm sóc cháu như thường lệ. Sau đây là một vài cách giải quyết:
- Gác việc nhà và việc giao tiếp với bạn bè lại.
- Tháo điện thoại ra.
- Chợp mắt ngay khi con ngủ.
- Thuê người giúp việc nội trợ gia đình khi trẻ quấy khóc nhiều.
- Thư giãn khi không vướng con bên cạnh (xem tivi, đi bơi, đi chợ).
- Làm cho cháu đỡ khóc bằng cách đu đưa hay cho bú vú giả.
- Nếu có thể thì đặt cháu trên chăn ấm, đặt chai nước ấm lên bụng, cất những đồ chơi cháu không thích, đặt đầu và cổ tay cháu qua một lần lót mềm.
- Nếu vặn đài, phải vặn rất nhỏ.

         Cứ làm như vậy cho đến khi cháu ngủ yên. Bạn có thể điều trị “hội chứng đau bụng” bằng cách mỉm cười với cháu. Thấy mẹ cười to, mắt mở rộng, nhìn âu yếm, nựng con, cháu sẽ bớt khóc.
Sự đau bụng của cháu, xin nhắc lại, không phải là đau bụng do đường ruột, do đói, hay đau thực sự, mà là do hệ thần kinh của cháu chưa phát triển đủ so với yêu cầu.
Trong thời gian này, trẻ bắt đầu có vài thay đổi như giữ đầu thẳng được, mỉm cười nhiều hơn, có thể cười to hoặc kêu the thé, thực sự là một đứa bé trong xã hội. Cháu thích chơi với bố mẹ nhiều hơn nằm một mình nên con có thể quên ngủ để chơi. Mặt khác, khi chơi với nhiều đồ chơi kích thích, cháu thấy như một thế giới mới đầy hấp dẫn và quên ngủ. Lúc này, trẻ thích nhìn trời, mây, cây cối, nghe tiếng chó sủa, hoặc lời hát ru nhịp nhàng.
Cháu cũng nhạy cảm với chất lượng giấc ngủ. Giấc ngủ ngày thường ngắn, gián đoạn. Việc bế đi chơi không dễ như trước. Nhịp sinh học bắt đầu xuất hiện khi ngủ ngày nên việc chăm sóc của cha mẹ phải đồng bộ với các nhu cầu sinh học của cháu. Khi cháu đòi ngủ, hãy đưa cháu vào chỗ mát yên tĩnh, khi ăn cũng vậy. 

        Cần phân biệt trẻ khóc là do đói, do cáu gắt hay do mệt mỏi. Tác giả đã từng khám cho một số em khóc rất dữ, cường độ và thời gian khóc dài đến nỗi mẹ cháu tưởng là cháu ốm đau. Trong khi khóc, trẻ đầy bụng và nuốt hơi, làm bố mẹ tưởng sữa bú không hợp hoặc pha sai công thức. Đây thực ra không phải bệnh mà chỉ do cháu quá mệt. Không những cháu chỉ khóc to và lâu khi thức mà còn khóc cả khi chuyển từ thức sang ngủ.

         Trẻ mệt phần lớn là do không được ngủ ngày tốt vì có quá nhiều kích thích bất thường ở bên ngoài mà cháu phải đối phó. Vì vậy, ở lứa tuổi này, muốn ngủ tốt, trẻ phải được đặt ở một nơi tĩnh lặng hoặc ở một nơi mà sau khi thức (khoảng 2 giờ), cháu có thể chợp mắt lại được ngay. Sau 2 giờ thức, cháu thấm mệt nên dễ rơi vào giấc ngủ. Nếu sau đó mà cháu vẫn không ngủ được thì sẽ bị kích thích nhiều, trở nên quá tỉnh táo và khó ngủ. Vì vậy, bạn hãy “cầm chịch” thời gian cho trẻ, cứ thức 2 giờ thì cho ngủ lại. Để cháu ngủ lại được, phải để nhiệt độ phòng vừa đủ, không quá nóng hoặc quá lạnh. Để biết giấc ngủ ngày của con khi nào là tốt nhất, hãy dựa trên:
- Hành vi của cháu.
- Thời gian ngủ trong ngày.
- Thời gian thức.

          Sau khi cháu ngủ được khoảng 5-10 phút, thậm chí 20 phút thì mẹ có thể rời con.
Tuy nhiên, không nên có quy định cứng nhắc mà nên tuỳ tình trạng của cháu mà quyết định, vì hệ thần kinh của cháu lúc này chưa hoàn thiện. Làm như vậy là tạo điều kiện để cháu phát triển khả năng tự ru ngủ của mình. Khi cháu buồn ngủ thì mẹ phải giúp cháu ngủ, không để cháu khóc vì tình trạng này dễ khiến mẹ phân vân là nên vào hay không nên vào với con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét