Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Chăm sóc các cháu nhỏ bị phỏng


   Phỏng là một tai nạn sinh hoạt rất thường gặp ở trẻ em để lại nhiều sang chấn về thể chất và tinh thần cho trẻ và cả người thân trẻ. Việc điều trị thường phải kéo dài trung bình từ 1 tháng đến 3 tháng đối với các trường hợp phỏng nặng. Trong điều trị phỏng nặng, việc chăm sóc của người nhà cho bệnh nhi đóng vai trò rất quan trọng giúp các cháu mau lành bệnh và tránh khỏi di chứng tàn tật sau này. Trong một buổi sinh hoạt thân nhân bệnh nhi được tổ chức định kỳ mỗi tuần tại Khoa Phỏng BV Nhi Đồng 1, các bà mẹ có con nằm viện dài ngày đã tận tình chia sẻ kinh nghiệm cho các bà mẹ mới vào khoa để giúp họ bình ổn về tâm lý và biết cách chăm sóc các cháu nhỏ bị phỏng.
   1. Chăm sóc và chia sẻ về tâm lý
   Chị H.T.C ở Tiền Giang, tổ trưởng tổ thân nhân bệnh nhi, có đứa con 4 tuổi bị phỏng xăng nằm điều trị khoảng 2 tháng, tâm sự: “Có mấy chị mới vào cứ khóc suốt, cháu nhà tôi bị phỏng nặng nên tôi biết tâm trạng của các chị ấy. Tôi phải nói với các chị ấy là các bác sĩ, các cô ở đây lo tốt lắm, chị yên tâm đi chứ cứ khóc hoài, buồn hoài thì tinh thần đâu mà lo cho con. Nghe vậy mấy chị đó cũng yên tâm, hết khóc nữa” 
   Chị T.T.A, ở Long An nói: “Còn đối với các cháu nhỏ thì nên chơi đùa với bé, mang đồ chơi cho bé chơi, chọc bé cười  để giúp bé bớt buồn và quên đau. Không được nói dối bé, nên nói thật về bệnh của nó  để nó hiểu và  cố gắng ăn, cố gắng tập”.
   2. Chăm sóc dinh dưỡng
   Về vấn đề dinh dưỡng, một chị thắc mắc như sau: “Cháu bé của tôi 27 tháng tuổi, tôi có thể cho bé ăn trái cây được không?”. Chị N.H.L ở Bạc Liêu, mẹ của một bé gái 10 tuổi bị phỏng dầu hỏa chia sẻ: “Tôi có nghe mấy cô ở đây dặn là đối với các bé nhỏ có thể cho ăn các loại trái cây mềm như chuối, đu đủ, sa bô chê, xoài... nhưng nên mua nguyên trái rồi xắt ra cho bé ăn, đừng mua trái cây xắt sẵn bán  ở bên ngoài, ăn vào dễ bị tiêu chảy lắm”.
   Một chị khác hỏi: “Cháu nhỏ nhà tôi khó ăn lắm, tôi không biết phải làm sao?”. Chị N.H.L trao đổi: “Nó đang bệnh và đau nên ăn khó, phải dỗ bé ăn để nó có sức, cho bé ăn vừa no thôi. Không nên cố ép cháu ăn nhiều, có khi nó ói ra hết, uổng công mình đút nãy giờ. Khi nào bé lành lặn thì cho ăn nhiều. Nhớ cho bé ăn đầy đủ các chất, đừng kiêng cữ gì hết để vết thương mau lành”.
   Chị H.T.C bổ sung thêm: “Còn chén muỗng thì phải trụng nước sôi, úp khô ráo hoặc lấy khăn sạch lau khô”.
   3. Tập vật lý trị liệu
   Một  chị  tâm sự: “Mỗi lần tập cho con, nó than đau không chịu tập. Nhìn thấy nó khóc và đau đớn, tôi chịu không nổi”. Chị L.T.T ở Cần Thơ, mẹ bé Thảo 15 tháng tuổi bị phỏng nước sôi, nói: “Lúc đầu tập đau dữ lắm, từ từ thì quen dần, không thể tập 1 lần là được. Nếu mình sợ nó đau, bỏ tập là mình hại nó. Thương nó là cố gắng động viên nó tập, có khi chọc cười, làm trò cười cho nó bớt đau, chứ không thì bé sẽ bị tật, đi cà nhắc suốt đời”.
   Chị N.H.L nói thêm: “Phải khen nó nữa, con bé nhà tôi nghe mấy cô khen thế là nó chạy lúp xúp,  thấy thương ghê. Tập riết thì gân nó dãn ra, sẽ hết đau và đi được. Cứ tập từng chút một, ban đầu còn đau thì cho đứng nhẹ, gượng nhẹ rồi từ từ tập đi”
   4. Và quan trọng nhất là luôn giữ vệ sinh trong suốt quá trình chăm sóc trẻ bị phỏng
   Chị L.T.P ở Bình Dương nói “Cần phải luôn giữ vệ sinh cho các cháu bé để vết phỏng không bị nhiễm trùng và mau lành. Các cô ở đây có dặn là mỗi lần vào chăm sóc bé thì phải mặc áo choàng, đeo khẩu trang, mang nón và nhất là phải rửa tay, phải chà tay kỹ, chà cả ngón tay và móng, cắt ngắn các móng tay. Sau khi bé đi tiêu, tiểu, hoặc sau khi thay tả cho bé thì phải rửa tay lại ngay, trước khi cho bé ăn cũng phải rửa tay để bé không bị tiêu chảy. Cả đồ chơi của bé cũng phải thường xuyên rửa sạch với xà bông và phơi khô”.
   Chị H.T.C nói thêm: “Không được sờ mó lên vết thương của bé, càng hạn chế tiếp xúc với vết thương thì càng tốt. Khi ra ngoài nhớ cột tay hoặc chân bé lại sao cho chắn chắc và an toàn. Thương bé lắm nhưng nếu mình cột lỏng quá, bé sẽ lấy tay quào hoặc gãi vào  vết thương vì bé ngứa quá sẽ  gây chảy máu và nhiễm trùng”.
   5. Sơ cứu phỏng đúng cách là điều mà các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần phải biết
   Theo Bác sĩ Bạch Văn Cam, Trưởng khối Hồi sức Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 cho biết: “Cách sơ cứu phỏng đúng cách vô cùng quan trọng, giúp giảm nhiễm trùng và di chứng sẹo ở trẻ sau này, giảm đau đớn và tàn tật cho trẻ, giảm thời gian nằm viện và chi phí điều trị. Do vậy người nhà phải biết cách xử trí đúng khi có tai nạn xảy ra, có nhiều trường hợp do người nhà xử trí sai nên vô tình đã làm nặng thêm tình trạng phỏng của bé” .
   - Cách sơ cứu phỏng đúng cách như sau:
      ٠ Đầu tiên là phải làm mát ngay vùng bị phỏng để không cho nhiệt gây tổn thương thêm cho da, bằng cách đặt vết phỏng dưới vòi nước hoặc dội nước sạch lên vết phỏng trong vòng vài phút.
      ٠ Rửa sạch vết phỏng bằng nước đun sôi để nguội
      ٠ Bôi Pommade Silver sulfadiazine có bán ở các nhà thuốc với tên thương mại như Siliverine, Silvirine, Flammazine hoặc Silvadene sẽ giúp vết thương mau lành và tránh bội nhiễm
      ٠ Luôn quan sát vết phỏng ít nhất 24-48 giờ để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như đỏ, sưng, đau. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế.
   - Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nguy hiểm như:
      ٠ Ngất xỉu, bất tỉnh
      ٠ Tay chân lạnh
      ٠ Khó thở
      ٠ Phỏng diện tích rộng hoặc phỏng sâu vì trẻ có thể bị mất một lượng lớn dịch tiết qua vết phỏng có thể đưa đến sốc phỏng do thiếu dịch
      ٠ Phỏng ở những vị trí nguy hiểm như mặt, bàn tay, bàn chân, bộ phận sinh dục… vì gây sưng, nghẽn đường thở làm khó thở trong phỏng vùng mặt, phỏng miệng hoặc ảnh hưởng về thẩm mỹ, chức năng hoạt động sau này.
   - Cần lưu ý những điều sau:
      ٠ Không làm bể các vết phỏng bọng nước vì có thể làm vết phỏng nhiễm trùng nặng thêm
      ٠ Không bôi các chất như nước mắm, giấm, mỡ, kem đánh răng, bùn non lên vết phỏng sẽ làm vết phỏng nhiễm trùng nặng
      ٠ Không cần thiết phải cữ ăn các loại thực phẩm như tôm, cua, thịt bò, thịt gà, rau muống, cam vì ăn những thực phẩm này không hề gây sẹo. Trái lại, nếu kiêng cữ quá mức sẽ gây thiếu chất dinh dưỡng, đặt biệt là chất đạm khiến vết phỏng chậm lành.
      ٠ Không dùng các loại băng có lông tơ mịn hoặc các băng dính dán lên vùng bị phỏng
   Trong trường hợp phỏng điện, không được chạm vào hoặc tới gần người bị nạn nếu dòng điện chưa được ngắt.
Các bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong Buổi sinh hoạt thân nhân bệnh nhi tại Khoa Phỏng-BV Nhi Đồng 1
Một bà mẹ đang chơi đùa cùng bé tại Khoa Phỏng
 
Nguyên Ái thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét