Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

CHẬM NÓI: NỖI LO LẮNG CỦA CÁC BẬC PHỤ HUYNH

Ba năm đầu đời là khỏang thời gian vàng cho sự phát triển bền vững của trẻ, phát hiện ra những trục trặc về phát triển trong thời gian này chúng ta có thể điều chỉnh để trẻ lớn khôn  bình thường. Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng dễ dàng nhìn nhận trẻ của mình có vấn đề để hợp tác với các nhà chuyên môn trong chương trình can thiệp sớm để chăm sóc, dìu dắt trẻ phát triển cho tốt.
Xin chia sẻ những cảm xúc như trên  với các phụ huynh có trẻ  khó khăn về nói qua những dòng nhật ký của mẹ bé B.M.K.
 
 
 Phòng điều trị Tâm Lý-Vận Động bệnh viện Nhi Đồng 1
Ngày con chào đời, tôi mừng vui hơn bất cứ điều gì khác trong cuộc đời.. Tôi cảm nhận đuợc niềm hạnh phúc làm mẹ, và hạnh phúc lớn nhất là “cục vàng” của tôi lành lặn (điều mà tôi cứ lo ngay ngáy trong suốt thời gian mang thai). Bé lớn lên từng ngày trong nỗi hân hoan, mừng vui của cả hai bên nội ngọai.
Và niềm vui của tôi lớn dần lên  khi con bắt đầu gọi “ba” lúc bé đuợc bẩy tháng rưỡi, gọi “mẹ ” lúc tám tháng. Tôi vẫn nuôi và chăm sóc bé bình thường nhưng lúc sau này có hơi cực hơn một chút vì bé cứ thức đêm bú cho đến khi bé đuợc khỏang muời chín tháng, tình cờ một lần cô giáo của người em họ tôi lưu ý rằng khả năng nhiều là bé bị chậm nói! Đó là cô X., làm ở khoa PHCN bệnh viện Nhi Đồng 1.
Cô X. dưa ra những triệu chứng của trẻ chậm nói mà tôi xâu chuỗi lại thì thấy con mình đúng như vậy, chẳng hạn như bé khó ngủ, hay khóc đêm, sợ chải đầu, khó thích nghi với những cái mới, lăng xăng (mà tôi cứ nghĩ là do bé hiếu động). Bé có một số dấu hiệu trong phổ tự kỷ!
Lần đầu tiếp cận với những thông tin đó, tôi nhìn con không cầm đuợc nước mắt: chẳng lẽ sinh con ra lành lặn, bây giờ lại mắc một căn bệnh kỳ quặc vậy sao? Cô khuyên tôi cho con đi tập nói! (nghe lạ tai quá!).
Rồi tôi theo cô cho bé vào bệnh viện học nói. Tôi đuợc cô cho vào học cùng với bé. Cô cho bé chơi, tuy là chơi nhưng ngày đầu tiên  hầu như bé không chịu hợp tác, nhưng cô rất kiên nhẫn và cương quyết. Cô dạy tôi cách chơi với con, dạy bé quan sát, tập bé biết lắng nghe, massage cho bé, tập cho bé tự xúc cơm ăn, tự mang giầy, khuyên cho bé đi nhà trẻ…Cho bé đi tập nói mà tôi phải giấu mọi người, chỉ có người thân trong nhà biết thôi, nhưng trong nhà cũng có đã có ý kiến phản bác, quan niệm rằng trẻ con từ từ sẽ biết nói! Cũng có một số người kể cho tôi nghe nhiều trường hợp trẻ đến ba, bốn tuổi mới biết nói. Tôi rất phân vân, nhưng tôi cũng hiểu rằng nếu được tác động sớm trẻ sẽ phát triển tốt, thuận lợi hơn, nếu để trễ vấn đề sẽ khó khăn, phức tạp hơn (vì tôi có một đứa cháu bị chậm phát triển).
Những ngày cho con đi tập, tôi mới biết là tôi chưa biết chơi với con, chưa biết cách dạy cho con đúng phương pháp. Cố gắng làm theo những điều cô đã hướng dẫn, sau ba tháng bé bé đã biết tập trung trong việc học hơn (thật ra học là chơi), bé tỏ ra thích trong lúc học cùng cô, nhưng vẫn chưa chịu nói, thực sự tôi cũng đã nản lòng. Còn đi học ở nhà trẻ thì cô giáo luôn phàn nàn là bé tè dầm hòai không chịu kêu cô.
Tuy thế, nhưng vì con, tôi đã cố vượt lên chính mình, tôi áp dụng cách giao tiếp với con ở nhà mà cô X. đã hướng dẫn : bắt bé phải nói những khi đòi uống nước, đòi đi tiêu tiểu. Khỏang hai tháng sau đó nữa, bé mới  chịu nói, bắt đầu là “ái”, “ỉa”, “ước” (đái, ỉa, nước). Tôi mừng qúa với những tiến bộ của con. Từ đó vốn từ của bé nhiều dần lên, rồi bé nói đuợc tiếng đôi, tiếng ba.
Sau một năm tập nói, tập tâm-vận động, đi học nhà trẻ, kết hợp theo dõi với bác sĩ thần kinh, chuyên viên tâm lý, bé đã đuợc lọai khỏi nhóm chậm nói trong lớp ở nhà trẻ.
Sau một năm rưỡi bé đã bập bẹ hát, đọc thơ, biết diễn tả cảm xúc tuy vẫn còn ngọng.
Bây giờ bé đã ba tuổi, cảm nhận của mọi người khi tiếp xúc với bé là bé phát triển như một trẻ bình thường.
Thật sự đến lúc này tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhiều lắm và tận đáy lòng luôn trân trọng cô X. vì đã phát hiện vấn đề của con tôi rất sớm, mở cho con tôi cánh cửa hòa nhập với thế giới xung quanh bé.
 
Minh Thư viết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét